Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

MUỐI ĂN

Ruộng muối là khoảnh đất thấp và phẳng dùng để khai thác muối từ nước biển hoặc nước mặn. Kỹ thuật làm ruộng muối chỉ thực hiện được ở những nơi khí hậu ấm, và khô để lượng nước bốc hơi cao hơn vũ lượng. Vùng đất thoáng gió là lý tưởng.[1] Nhiệt độ cao, độ ẩm thấp và gió mạnh là ba yếu tố chính trong ngành thu hoạch ruộng muối.

Làm muối tại Ninh Hòa
Ở Việt Nam vùng ven biển miền Trung và miền Nam nghề làm muối dùng phương pháp phơi nước. Người dân thường đào ao hoặc hồ cạn làm "đùng" rồi thông cho nước biển chảy vào đầy, sau đó đóng lại. Có nơi ở Việt Nam như vùng Ninh Hòa, Hòn Khói thì lợi dụng nước thủy triều lên hoặc xuống để cho nước vào đùng. Cạnh bên đùng thì làm hai cấp sân, thấp dần khoảng 15 cm. Mỗi sân đều san phẳng, đắp bờ chia ô vuông vắn; mỗi ô là 4 m x 10 m. Đó là ruộng muối.

Khi làm muối thì tát nước từ đùng lên sân trên cho đầy. Ruộng trên là "ruộng chịu" dùng để tăng nồng độ nước muối. Đợi khoảng năm ngày nắng ráo thì tháo nước mặn cho trút xuống sân dưới, gọi là "ruộng ăn" nơi muối bắt đầu kết tinh. Mỗi khi sân dưới gần cạn nước vì nước bốc hơi thì lại châm thêm nước từ ruộng chịu ở trên xuống ruộng ăn ở dưới. Cứ châm liên tiếp năm ngày đến khoảng một tháng tùy theo độ ẩm không khí thì nước sẽ cạn và muối đóng thành hột. Người làm muối theo đó gạt muối lên, người Việt gọi là "cào muối" đánh thành gò cho khô thì xúc lên đem bán.

Năng suất ruộng muối cổ truyền theo cách làm muối trên thì mỗi ô có thể sản xuất 500 kg muối/tháng.
Công thức làm muối ở miền Bắc Việt Nam
Công thức làm muối bằng ruộng muối ở miền Bắc Việt Nam có phần khác, nặng phần công hơn, còn gọi là phương pháp phơi cát. Cách này có thể khắc phục được phần nào thời tiết bất thường, không thể phơi nước được. Thay vì chỉ dùng ánh mặt trời làm nước bốc hơi, ruộng muối ở miền Bắc có công đoạn dùng cát mịn, đã sàng lọc kỹ, đem hòa nước biển vào cho thật ngấm nước mặn xong đem lớp cát đó, trải ra khoảnh đất phẳng, dùng nắng mặt trời phơi khô để muối kết tinh trên hạt cát. Diện tích phơi cát đây không hẳn là ruộng mà là sân rộng.

Lợi điểm phơi cát là hạt cát hấp nhiệt nhanh hơn và có nhiều góc cạnh để bốc hơi hơn, trong khi mặt nước chỉ có một bề mỏng trên cùng hấp nhiệt. Tùy vào thời tiết người làm muối sẽ trải lớp cát dày hay mỏng rồi châm nước vào. Nếu quá khô vì nắng gắt mà ít nước thì muối sẽ ở dạng bột thay vì hột. Lớp cát đó sau lại đem thu dồn vào trong một cái bể gạch, gọi là "chạt", nén chặt rồi châm thêm nước mặn, cho nước thấm qua lớp cát rồi hứng vào thùng. Thùng nước này có độ mặn cao hơn nước biển, gọi là "nước chạt" sẽ đem đổ ra sân nhỏ gọi là ô kết tinh phơi cho đến khi nước chạt kết thành muối hột. Sân phơi cuối cùng này xưa trát vôi trộn xỉ và bồ hóng cho mịn nhưng sau thường là sân xi măng, diện tích khoảng sáu m². Qua công đoạn 30 thùng nước chạt phơi khô sẽ thành 5 kg muối, phơi buổi sáng đến chiều thì thu hoạch được.
****************************************************************************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét